Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là gì?
Khi hệ cơ xương khớp bị chấn thương, biến dạng, sai lệch vị trí do nhiều nguyên nhân khác nhau như vận động sai tư thế, té ngã, tai nạn hay do bệnh lý nào đó (có thể là bệnh cột sống, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp, rối loạn bẩm sinh…), bạn sẽ cần tìm gặp bác sĩ để điều trị, chỉnh sửa lại cấu trúc xương khớp về bình thường. Các kỹ thuật giúp thực hiện việc đó được gọi chung là chấn thương chỉnh hình.
Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình bao gồm các kỹ thuật tác động vào hệ thống cơ xương khớp với các thành phần:
Xương
Cơ bắp
Khớp
Gân
Dây chằng
Người ta còn chia ra những chuyên ngành cụ thể hơn trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình để điều trị các bệnh cơ xương khớp theo vị trí ảnh hưởng và lứa tuổi, như:
Phẫu thuật bàn chân và mắt cá chân
Phẫu thuật tay
Tái tạo hông và đầu gối
Chỉnh hình nhi khoa
Chỉnh hình các rối loạn cột sống
Y học thể thao
Phẫu thuật chấn thương
Phẫu thuật thay khớp
Ung thư cơ xương khớp
Các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ cần làm việc với những bác sĩ chuyên khoa khác như bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gây mê và những y tá, nhân viên y tế.
Các loại phẫu thuật chấn thương chỉnh hình phổ biến
Hầu hết các quá trình phẫu thuật chỉnh hình sẽ liên quan đến xương hoặc khớp. Một số có thể thực hiện bằng phương pháp nội soi khớp (quan sát và chỉnh sửa cấu trúc bên trong khớp thông qua một vết mổ nhỏ cùng một ống mảnh có gắn máy quay camera ở đầu được luồn vào). Một số trường hợp thì cần vết mổ lớn hơn, xâm lấn hơn để điều chỉnh lại cấu trúc bị ảnh hưởng.
Các loại phẫu thuật chấn thương chỉnh hình thường gặp bao gồm:
Tái tạo dây chằng chéo trước
Sửa chữa lớp sụn chêm
Thay khớp gối hoặc hông
Nội soi khớp vai và cắt bỏ mô hoại tử
Nối xương gãy, ghép xương
Chỉnh sửa chóp xoay vai
Điều trị hội chứng ống cổ tay
Phẫu thuật đĩa đệm
Hợp nhất cột sống
Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện nhiều loại phẫu thuật khác nhau để chỉnh sửa, tái tạo lại cấu trúc cơ xương khớp tùy từng trường hợp với mục tiêu là giúp người bệnh duy trì được chức năng vận động, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể. Tuy nhiên, nếu có phương pháp chữa trị nào khác có tiềm năng hơn, chúng sẽ được ưu tiên áp dụng trước khi phải lựa chọn phẫu thuật.
Không phải vấn đề cơ xương khớp nào cần chỉnh sửa lại cấu trúc cũng phải trải qua phẫu thuật chỉnh hình mới điều trị thành công.
|