8 dấu hiệu trẻ trật khớp háng bẩm sinh


8 dấu hiệu trẻ trật khớp háng bẩm sinh

09 Tháng Năm 2020 :: 6:54 CH :: 181 Views ::
0 Comments :: Hàng 1

Chiều dài hai chân không bằng nhau, các nếp gấp trên đùi bé không đối xứng nhau, khi nằm ngủ hoặc duỗi bàn chân đổ ngoài… là những dấu hiệu cần chú ý.

Bé Ngọc Huyền, 10 tuổi, ở Bắc Kạn, đang tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Hà Nội sau phẫu thuật trật khớp háng bẩm sinh.

Khi bé 18 tháng tuổi, mẹ mới phát hiện con không đi lại được. Bác sĩ khám chẩn đoán bé bị trật khớp háng bẩm sinh. Bé được phát hiện bệnh muộn, không thể phục hồi chức năng, phải chờ lớn lên mới phẫu thuật. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Hà Nội, cho biết bé đi lại khó khăn, chậm chạp. 

Trật khớp háng bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh, khi chỏm xương đùi một hoặc hai bên khớp háng bị trật ra khỏi vị trí sinh lý bình thường của khớp háng. Cứ 1.000 trẻ ra đời có một bị trật khớp háng bẩm sinh. Trẻ gái mắc dị tật này nhiều hơn trẻ trai. 

Nguyên nhân trật khớp háng bẩm sinh hiện chưa rõ. Một số yếu tố nguy cơ như đột biến nhiễm sắc thể, di truyền từ đời trước (chủ yếu mẹ sang con), tình trạng bất thường (nhiễm trùng, nhiễm độc thai nghén) khi mang thai, tư thế thai nhi bất thường khi sinh…

Bác sĩ Hưng chia sẻ, người nhà có thể phát hiện trẻ mắc dị tật này ngay sau sinh hoặc một vài tuần đầu sau sinh. 8 biểu hiện dễ thấy giúp phát hiện sớm ngay sau sinh là:

– Chiều dài hai chân không bằng nhau. Chân bên bị trật khớp háng ngắn hơn bên đối diện. Nhưng nếu trật khớp háng cả hai bên sẽ khó phát hiện, song ít gặp trật hai bên.

– Xem các nếp gấp ở hai chân. Các nếp gấp trên đùi bé không đối xứng nhau. 

– Khi trẻ nằm ngủ hoặc duỗi bàn chân thì bàn chân đổ ngoài.

– Xem gấp đầu gối hai bên của bé. Tư thế gấp gối, khớp gối bên trật sẽ thấp hơn bên lành, song dấu hiệu này khó phát hiện.

– Khi bé đứng sẽ thấy chân thấp, chân cao, dễ quan sát lúc bé kiễng chân.

– Hạn chế gấp và dạng khớp háng bên trật. Bé bị tật này sẽ ít gấp gối vào bụng và dạng chân một bên. Chân bên bị trật khớp háng ít các động tác này.

– Dáng đi khập khiễng khi trẻ biết đi, về lâu dài có thể biến dạng cả khớp háng, khung chậu và cột sống.

– Khi gấp và khép háng, dạng và duỗi khớp háng, chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp tạo nên tiếng kêu “lục cục” (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi).

Bàn chân đổ ngoài khi trẻ nằm duỗi chân là dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Trẻ được phát hiện bệnh ngay sau sinh, sẽ được bác sĩ hướng dẫn can thiệp bằng một số phương pháp đơn giản như đóng bỉm vệ sinh, dùng tã gấp dày để giữ cho khớp háng dạng ra. Cõng hoặc địu trẻ. Đặt trẻ nằm sấp khi ngủ…

Trẻ từ một đến 6 tháng tuổi, bác sĩ đánh giá hiệu quả, sau đó có thể bó bột, tập phục hồi chức năng, sử dụng nẹp chỉnh hình. Trẻ phát hiện bệnh muộn sẽ phải phẫu thuật.
Trẻ trên 6 tuổi sẽ rất khó điều trị, biến chứng nguy hiểm như thoái hóa khớp háng bên trật khớp gây đau kéo dài. Dáng đi trở nên bất thường, trẻ mất tự tin. Hai chân có chiều dài không cân xứng. Trẻ trở nên chậm chạp (do mất tự tin) ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài ra, dị tật còn gây gù, vẹo cột sống do tình trạng bất cân xứng của chi dưới kéo dài, ảnh hưởng đến chức năng tuần hoàn, hô hấp, tâm thần kinh của trẻ.
Đối với trẻ gái, trật khớp háng sẽ gây biến dạng khung chậu làm ảnh hưởng đến chức năng sinh đẻ sau này.

Nguồn: VnExpress.net

 
Hiện tại không có lời bình nào!